người dùng Facebook sẽ được dẫn đến một bài viết trên mạng xã hội này. Bài viết có nội dung về video nhạy cảm của một người đẹp "showbiz", đính kèm hình ảnh của một nữ diễn viên nổi tiếng. Khi truy cập đường link trong chỉ dẫn, người dùng được dẫn tới một trang web khác với thông báo "nội dung 18+" và đề nghị phải đăng nhập Facebook để tiếp tục. "Mỗi ngày tôi nhận hàng chục thông báo như vậy, hầu hết từ những người không quen biết", Nguyễn Hưng (Hà Nội) chia sẻ. Anh Hưng cho biết việc này gây phiền hà, nhưng không có cách nào chặn.
Thực chất đây là chiêu lừa đảo bằng website "phishing" khá phổ biến. "Nếu làm theo yêu cầu, người dùng có thể bị lộ mật khẩu Facebook, hoặc bị cài mã độc", chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho biết. Theo ông Hiếu, hiện nay các công cụ tạo trang web lừa đảo đều có sẵn hết trên Internet. Việc tạo ra các trang giả mạo trang đăng nhập của Facebook, Google hay bất kỳ nền tảng nào chỉ mất 5 đến 10 phút. Sau đó, kẻ xấu sẽ sử dụng các công cụ có sẵn trên mạng để "tag" hàng loạt, nhằm thu hút sự chú ý của người dùng. Tất cả thông tin được nhập vào sẽ được chuyển đến cho hacker. Hồi cuối năm 2020, chiêu "tag" người dùng vào các bài viết gây sốc về tai nạn giao thông cũng từng rộ lên tại Việt Nam.
Nhiều người cho biết đã mất tài khoản Facebook vì làm theo hướng dẫn. Kẻ xấu sau khi chiếm được tài khoản của người dùng, lại tiếp tục dùng tài khoản này đi lừa những người tiếp theo. Theo các chuyên gia, người dùng Facebook nên bật tính năng xác thực hai lớp, đồng thời thường xuyên thay đổi mật khẩu với những tài khoản quan trọng. Đặc biệt, cần thận trọng trước khi nhấn vào bất kỳ đường link, cũng như ứng dụng không rõ nguồn gốc. Facebook cho biết đang thực hiện nhiều biện pháp chặn thông tin sai lệch trên nền tảng của mình. Trong ba tháng cuối năm 2020, khoảng 1,3 tỷ tài khoản ảo đã bị xóa trên mạng xã hội này.