Vũ điệu huyền thoại Apsara từ phiến đá bước ra đời thực

Thứ hai - 18/12/2023 01:54
Như một mối duyên, những câu hát “Ngủ quên trong phiến đá Apsara/Bàn tay người nghệ sĩ hóa thân ngà...” lại vang vọng trong tôi mỗi khi có ai nhắc đến Mỹ Sơn. Ngủ quên trong phiến đá Apsara Rêu phong đã phủ kín từng ngôi tháp cổ đổ nát, những bức phù điêu vũ nữ
Vũ điệu huyền thoại Apsara từ phiến đá bước ra đời thực
Apsara đang say múa khiến thánh địa Mỹ Sơn càng thâm nghiêm. Nghệ thuật điêu khắc Chămpa đã đi sâu vào lòng người, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và đã được phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 17, trong đó có vũ nữ Apsara Chămpa - một hình tượng điêu khắc tiêu biểu.

Theo truyền thuyết, Apsara được coi như là nữ thần biên giới, là vũ nữ của thần Indra, chuyên múa hát và dâng hoa cho các vị thần, các nàng có biệt tài ca hát, nhảy múa.

Trước những phù điêu bằng đá hàng ngàn năm, vũ nữ Apsara hiện ra với khuôn mặt đầy đặn, đầu đội mũ Mrần kiểu Kirata - Mukata nhiều tầng, với hai mắt mở to, sống mũi cao và cánh mũi nở rộng, cùng đôi môi mỏng đang mỉm cười khiến cho chân dung vũ nữ thêm phần sinh động, duyên dáng. 

Hầu hết tượng Apsara luôn ở trong tư thế khỏa thân nửa phần trên của cơ thể, để lộ ra bộ ngực căng đầy sức sống. Tuy thân hình “bán lõa thể” nhưng vẫn giữ được vẻ trinh nguyên, vượt lên trên cảm giác xác thịt trần tục. Eo lưng thon thả cùng với bắp tay, bắp đùi tròn và cả thân mình bắt nhịp như rung bật theo từng động tác múa điệu nghệ, khoe diễn những đường cong kiều diễm, sống động vượt lên trên vẻ đẹp thân xác.

Vũ nữ không có sắc dục, chỉ có nhịp điệu và vũ điệu Tamia Tatih; Tamia Biyen, Tamia Tra. Toàn bộ khối hình của người vũ nữ là hai hình tam giác đối đỉnh nhau tạo nên một cảm giác cân đối nhưng chông chênh.

Các đường lượn của tay và đùi tạo thành các đường gấp khúc uyển chuyển, làm thành một đường lượn kết nối hai phần của bức tượng, làm hai khối trở nên mềm mại và tinh tế hơn. Chiếc khố “plá tọp” được chạm với họa tiết khắc vạch rất tinh tế, diễn tả các đường trang trí hình cườm đồng tâm tỏa đều trên thân tượng.

Những đường tròn từ chuỗi hạt, dây lưng, viền khố tạo một làn sóng lan tỏa từ trên xuống dưới. Hai chân ở một tư thế một chân trụ vững, một chân nhón gót theo nhịp uốn của thân rất uyển chuyển và tài hoa.

Giấc mơ kỳ lạ của kiến trúc sư huyền thoại

Trong không gian tôn tạo Thánh địa Mỹ Sơn, người ta thường nhắc tới Kazimiers Kwiatkowski, vị kiến trúc sư huyền thoại người Ba Lan đã dành mọi tâm sức, trí tuệ và tình yêu để tôn tạo, phục dựng quần thể tháp Chăm. Ông đã gắn bó suốt 17 năm cuối đời tại Mỹ Sơn. Mọi viên gạch, đường nét và cây cỏ nơi đây đã trở thành một phần cuộc sống của ông. Và trong những câu chuyện nhắc về ông, người ta hay truyền tai nhau về câu chuyện giữa ông và một cô gái câm người Chăm.

Trong suốt thời gian làm việc ở đây, ông đặc biệt gắn bó với cô gái ấy. Hằng ngày, cả hai cùng không nói nhưng rất hiểu và thân thiết với nhau. Sau này khi lớn lên cô cùng học tiếng Kinh với Kazimiers và hai người bắt đầu trao đổi được với nhau theo cách riêng của họ… Cùng thời gian đó, cô tích cực giúp đỡ đoàn khảo sát gánh nước sinh hoạt và nhiều công việc khác. Tất cả những gì mọi người biết về cô gái chỉ là một cô gái câm, đen đúa, sống trong nghèo đói nhưng vô cùng đam mê và ngày đêm hồn nhiên múa điệu Apsara với đôi bầu ngực trần như truyền thuyết về nàng Apsara được vị thần tối cao Silva cử xuống trần gian.

29-10-vn4(1).jpg
KTS huyền thoại Kazimiers với giấc mơ về những vũ nữ Apsara ngọc ngà bước ra từ đá.

Thời gian dần trôi, cô bé câm ngày nào đã thành thiếu nữ say mê múa dưới ánh nắng mặt trời bên những đền tháp cổ kính. Đó là những giây phút diệu kỳ nhất mà Kazimiers có được ở đây.

Vì muốn lưu giữ lại giây phút quý giá ấy, Kazimiers đã âm thầm vẽ bức tranh thiếu nữ múa điệu Apsara… Một lần vô tình nhìn thấy chính mình trong bức tranh của Kazimiers cất giấu trong lòng tháp cổ với hình hài đen đúa, bộ áo quần tả tơi, ngực trần nhu nhú, nàng đã âm thầm bỏ đi… Từ đó Kazimiers không có đêm nào yên giấc, cứ nhắm mắt ông lại nhìn thấy những vũ nữ Apsara ngọc ngà bước ra từ đá, ngực nhú cao, đôi mắt mơ màng, khuôn mặt và ánh mắt hoang dại, lặng lẽ múa. Khi Kazimiers chuẩn bị thức giấc, những vũ nữ lại từ từ biến thành đá bất động.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Kazimiers còn cố dặn đi dặn lại các cộng sự của mình rằng: "Tôi không thể nào rời xa Mỹ Sơn được. Dẫu là cái chết cũng không thể mang tôi đi khỏi nơi ấy. Hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn! Tôi muốn nhìn thấy cô gái của tôi quay trở về và nhìn thấy mọi người tiếp tục tôn tạo Mỹ Sơn".

Những vũ nữ bước ra đời thực

Đến Mỹ Sơn, nếu may mắn được ngắm nhìn những nàng Apsara bằng xương thịt, với những điệu múa "linh hồn của đá" huyền hoặc, du khách sẽ phải lưu luyến. Hình ảnh những cô gái với bộ ngực căng tròn, tay búp măng cong mềm lấp lánh trong những trang phục rực rỡ, uyển chuyển trong vũ điệu mê hoặc của trống Paranưng và tiếng khèn Saranai sẽ khiến du khách như lạc bước vào thế giới huyền ảo của nền văn hóa Chăm.

29-10-vn3(1).jpg
Vũ điệu Apsara là biểu tượng của cái đẹp thuần khiết, đầy tính biểu cảm.

Vũ điệu Apsara thường do năm vũ công tái hiện hình ảnh vũ nữ Apsara thể hiện với mục đích làm cho người xem có cảm nhận các nàng Apsara được hồi sinh và bước ra từ các bức phù điêu bằng đá. Các động tác múa chậm, nhẹ nhàng, uyển chuyển đầy huyền bí và mê hoặc với các đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp.

Vũ điệu ấy là biểu tượng của cái đẹp thuần khiết, đầy tính biểu cảm được tạo hình từ các ngón tay, bàn tay, bàn chân… Khi điệu múa kết thúc các vũ nữ giữ tư thế bất động như những bức tượng đá được trùm kín bằng tấm khăn màu cỏ úa lúc mới xuất hiện, mang ý nghĩa trở về với đá, thiên nhiên và con người tan biến vào nhau để trở thành vĩnh cửu.

Hiện nay, văn nghệ dân gian Chăm được đưa vào biểu diễn, phục vụ du khách Mỹ Sơn với 4 suất diễn mỗi ngày. Ngoài các phiến đoạn ca, múa, nhạc dân gian, đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn còn giới thiệu với du khách về các nhạc cụ, làn điệu, điệu múa Chăm cùng các lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm.

Với sự say mê và tâm huyết với nghề, họ đã cùng nhau giữ hồn cho những điệu múa, âm nhạc Chăm, tạo nên nét đặc trưng khi đến với Mỹ Sơn, không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần mà nó còn truyền bá giá trị nghệ thuật độc đáo của người Chăm.

 

Tác giả: Hải Nam

Nguồn tin: https://congly.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây