Mùa cá mòi ngược nước
Làng quê tôi ở ven sông Thu và những mùa cá sông với cá mòi, cá ngạnh, cá chạc, cá hanh, cá dềnh... theo mùa với những món ăn ngon, đậm ký ức tuổi thơ. Trong đó, nhiều giống loài đã cạn kiệt chủng loại, số lượng, lâu nay ít tìm thấy. Nhưng con cá mòi sông Thu thì vẫn còn rất nhiều.
Cá mòi nước ngọt, cá mòi sông (có tên khoa học Sardinella tawilis) là một loài cá mòi sống trong môi trường nước ngọt, hình dáng như cá trích biển, có màu trắng và vảy nhỏ, da bóng nhẫy mỡ màng. Dù cá mòi có nhiều xương nhỏ nhưng thịt và xương đều mềm, dễ ăn. Chúng chỉ dài khoảng 15cm và nặng khoảng 30g.
Cứ mỗi tháng Chạp hằng năm, cá mòi nước ngọt lại từ cửa biển bơi ngược dòng nước lên thượng nguồn để sinh đẻ. Cá mòi con nở ra ở sông, rồi tìm cách bơi ra cửa biển, cá trưởng thành lại tiếp tục chu kỳ bơi từ cửa biển vào sông đẻ trứng, sinh sản. Cá mòi càng vào sâu đất liền càng thấm vị phù sa, thịt thơm và ngọt hơn cá ngoài cửa biển.
Ngư phủ ở các vạn chài ven sông Thu Bồn, Vu Gia dễ dàng bắt được cá mòi với nhiều cách thức như thả lưới, giăng nò, quăng chài, hiệu quả nhất vẫn là đóng nò cá ngang dòng sông.
Mùa cá mòi nặng trịch lưới có lẽ là khoảng từ tháng 2 đến tháng 5. Mỗi nò cá trên sông Thu Bồn có thể bắt được hơn 1 tạ cá mòi sông. Với người dân sống ven sông Thu ở Đại Thạnh, Đại Thắng (Đại Lộc), Duy Tân, Duy Thu (Duy Xuyên), cá mòi nước ngọt là món ăn đặc sản mang đậm hương vị sông nước.
Tại chợ Bến Dầu (xã Đại Thạnh), mỗi sáng sớm, những thau cá mòi tươi rói, nhiều con còn giãy đành đạch được bưng lên từ phía bến sông, chỗ cá tươi rói được người dân đổ xô mua hết chốc lát.
Bà Lê Thị Phụng (61 tuổi, sống ở sát chợ Bến Dầu) chia sẻ, bên kia sông Thu có vạn chài Khe Cát, nơi rất nhiều ngư phủ quần cư, sinh sống và chẳng rõ vì sao khu vực bến chài này là vựa cá mòi, có lẽ do lòng sông sâu, là khúc oằn, cá về nhiều. Cá mòi rộ nhất vào thời điểm hoa gạo nở.
Theo bà Phụng, để bắt được nhiều cá, người dân vạn chài Khe Cát phải căng lưới, gõ lớn, cá nghe âm thanh lớn, giật mình, chạy tứ tung, dễ mắc lưới. "Ngày trước khúc sông này cá mòi nhiều vô kể. Ngày trước còn gặp rùa, ba ba nữa nhưng chừ hiếm lắm, nhưng cá mòi thì còn nhiều và giá cả phải chăng, ai cũng có thể ăn được" - bà Phụng kể.
Món ngon sông nước
Từ vùng Bến Dầu, qua chợ Phú Đa (Duy Thu), buổi chợ sáng vẫn thường bày bán đặc sản cá mòi. Cá còn tươi mua về, bà con chỉ cần làm sạch cá, sơ chế, thả cá vào nồi nước trong, bỏ thêm mắm muối, gia vị, ít rau răm là có bữa cá ngọt lừ, hay có thể kho ngọt, chẳng cầu kỳ mà vẫn ngon, ngọt, thanh đạm. Nhưng phổ biến nhất vẫn là món chả cá mòi, phải mua nhiều ký cá tươi, sơ chế, bỏ gia vị, xay chả để có thể làm ram, món chả cá nấu bún, nấu nhưn mỳ Quảng, nấu canh. Còn với cá mòi nướng lửa than hồng, cần làm trui nướng bằng tre vót nhọn để xuyên cá. Có thể thưởng thức món này với nước mắm cá mòi tỏi ớt, kèm theo thức uống khai vị.
Cách chợ Phú Đa chừng một cây số, người dân làng Thu Bồn Đông, Thu Bồn Tây (xã Duy Tân) còn chế biến món mỳ Quảng nhưn cá mòi hay gỏi cá mòi, mắm cá mòi tuyệt hảo.
Để làm gỏi cá, người ta lựa cá lớn vừa, xương tuy nhiều nhưng mềm, chặt bỏ đầu, đuôi, vây, moi bỏ ruột, đánh sạch vảy, rửa sạch để ráo, dùng dao bén tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính, làm cho thịt cá khô ráo, lại vừa ướp thơm và khử khuẩn cho cá. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo cá và lấy nước cốt này đun sôi hòa thêm với nước mắm, rắc thêm mè, đậu phụng giã và nước chấm.
Gỏi cá mòi ăn ghém cùng với hành, ngò, tần ô, tía tô, cuốn với bánh tráng, chấm nước cốt cá mòi, là món đậm vị sông nước. Bà con còn chế biến món cháo cá mòi, cá mòi hấp cách thủy, giữ được độ tươi ngon, ngọt của cá, vừa mềm, thấm...
Cá mòi sông Thu không chỉ giúp cơm no, áo ấm cho những vạn chài, mà những món ăn dân dã, đậm tình quê, hồn quê là nét ẩm thực văn hóa vùng miền, là ký ức tuổi thơ nơi những xóm nhà ven sông...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn