Thao thức bởi những bàn tay thoăn thoắt của nghệ nhân say sưa với những sản phẩm làng nghề truyền thống.
Làng quê cảnh vật yên bình
Trà Nhiêu – khúc hát giao tình đắm say
Lịch sử hình thành
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một vùng đất có lịch sử hình thành khá lâu đời. Tương truyền, các bậc tiền nhân đã đến lập làng, xây dựng cơ nghiệp tại mảnh đất này từ đầu Thế kỉ XIV.
Với địa thế nằm ép mình ở hạ lưu của hai dòng sông lớn Trường Giang và Thu Bồn nên nơi đây được xem là thị trấn sầm uất của xứ Đàng Trong khi Hội An được chọn làm điểm giao thương với các thương gia nước ngoài lúc bấy giờ. Nhiều vết tích hôm nay vẫn còn, đánh dấu lịch sử hình thành lâu đời ở mảnh đất này: cây đa, đình làng, bãi chợ, miếu thờ Quan Công,..
Trà Nhiêu – Phong cảnh hữu tình
Du khách có thể đến Trà Nhiêu từ Mỹ Sơn bằng đường bộ theo trục 610 từ ngã ba Nam Phước về hướng Đông khoảng 10 km; hoặc xuôi đò từ Hội An theo dòng Thu Bồn sang bến Cẩm Kim khoảng 3 km về hướng Đông Nam.
Đến với Trà Nhiêu, du khách bị hớp hồn bởi những con đường uốn lượn dưới bờ tre rợp mát, xuyên qua những hàng chè tàu phủ bóng tơ hồng; những ngôi nhà ẩn hiện dưới hàng cau tít tắp. Trên con đường, mảnh ruộng ven làng dường như không lúc nào thiếu vắng bóng dáng người phơi lác, trồng đay, đan lưới, chằm lá…. Những đôi tay mềm mại của các bà, các chị cần mẫn tước từng cọng đay, đan từng vạt lưới qua bao thăng trầm vẫn nguyên sơ thủ công như ghi dấu nét đặc trưng của một nền văn hóa đã có tự bao đời. Những nhịp điệu lách cách, xạc xào của tiếng thoi đưa trong nghề dệt chiếu là thứ âm thanh quen thuộc ăn sâu vào máu thịt của người dân nơi đây. Lạc trên bãi bồi phù sa, bao ngành nghề một thời vang bóng của vùng sông nước nay còn thấp thoáng trong nắng xế chiều.
Đến Trà Nhiêu, du khách sẽ được đắm chìm giữa rừng dừa nước xanh tươi bốn mùa lộng gió. Xa xa trong tầm mắt, những căn chòi lợp lá dừa với chiecs cầu tre lắc lẽo hiện lên như một bức tranh thủy mặc giữa đời thường. Thả lỏng những bước chân lách cách trên chiếc cầu tre, du khách sẽ gặp những người câu cá ngồi thả hồn vào mênh mông trời đất. Tiếng cá quẫy đạp, đớp mồi…, âm thanh vi vút của tiếng gió xao động tán dừa làm tâm hồn như lâng lâng bao cảm xúc.
Tiếng hò níu chân du khách
Một ngày đến với Trà Nhiêu, khi ánh chiều phủ lên bãi bồi giữa bốn bề sông nước, kẻ lên thuyền sang sông về Phố Hội Sông Hoài, người theo đường bộ về lại với bộn bề mưu sinh. Thế nhưng, ai rồi cũng sẽ không quên được mảnh đất và con người Trà Nhiêu khi đã được nghe và thả hồn vào những điệu hò khoan miền sông nước nơi này.
Nát lòng đôi ngã phân ly
Bạn về xứ bạn, thiếp quy xứ mình
Chừ đây bóng nọ xa hình
Hội ni sơ ngộ, ta hẹn mình ngày sau
Biển trời non nước gặp nhau
Với điệu hò khoan lưu luyến biết bao nghĩa tình
Kiểng xa hồ, hồ khô kiểng héo
Lựu xa Đào, Lựu ngã, Đào nghiêng
Gặp nhau chưa đặng một phiên
Chừ đây cách mặt biết ai phiền hơn ai
Cứ trông rồi mốt, rồi mai
Thuyền kia, bến nọ láng lai tâm tình......
Hình ảnh người chèo thuyền, những bà mẹ tay thoăn thoắt tướt đay hay cô thôn nữ giữa miệt vườn cất giọng hò thánh thót vang trong gió như níu kéo bước chân của du khách tìm về. Không phải là nghệ thuật của sự sắp đặt hay lối diễn xuất vô hồn, nặng tính dịch vụ mà giọng hát Trà Nhiêu thật sự là tiếng lòng khởi phát từ tâm hồn của người bản địa nơi này. Họ xứng đáng gọi la nghệ nhân đang sống trong môi trường văn hóa của chính mình./.