Bạn đã từng mơ ước về một đất nước Hàn Quốc với những hòn đảo rực rỡ sắc hoa mỗi độ xuân về. Bạn đã...
Nói về chuyện quen tai này, cũng là cả một vấn đề. Tất nhiên, khi thấy người đàn ông đạp xe đạp, chở dụng cụ mài dao phía sau; hoặc người đàn ông chở theo mấy chục cái chổi lông gà đằng sau yên xe, khỏi cần rao, cũng biết họ làm nghề gì. Nhưng nghe bằng tai, chứ không tận mắt thấy, mới thú vị. Chị hàng xóm kể, ban đầu nghe ba tiếng gọn lỏn “chổi lông... gòa”, chị chẳng biết người ta rao gì. Nghe lạ tai, chị kéo hờ song cửa, nhìn ra cho rõ. Vài lần như thế, chị mới quen tiếng rao. Tiếng rao của người đàn ông bán chổi lông gà tầm hai giờ chiều mỗi ngày, đi vào bộ nhớ chị, kiểu... mặc định, chứ chẳng phải chị tài giỏi gì trong chuyện nghe, hiểu giọng người Quảng.
Chị kể, mang mấy con dao, cái kéo ra mài, chủ động bắt chuyện với người đàn ông xứ Quảng, khó còn hơn giao tiếp với... người nước ngoài, vì giọng anh khó nghe quá. Nhìn anh ta mồ hôi nhễ nhại, đôi tay thoăn thoắt, thỉnh thoảng ngước lên trả lời câu hỏi của chị một cách thành thật. Chị bảo đàn ông xứ Quảng chịu khó, chân chất, dễ mến. Nên mỗi khi dao cùn, chị đợi anh thợ mài xứ Quảng đi ngang. Anh ta mài kỹ, dao bén ngọt, giá cả phải chăng, chứ thợ mài dao kén thì ngày nào cũng có, nhưng không hẳn ai cũng mài khéo như thế.
Anh bán chổi lông gà sống đất Sài thành đã 5 năm, nhưng cứ mải trung thành với tiếng rao “chổi lông gòa”. Hỏi anh sao không nói nhẹ hơn một chút để người mua dễ nhận biết. Anh cười xòa “uốn lưỡi chi cho mệt. Người Quảng thì phải nói tiếng Quảng chứ sao!”. Tiếng rao của anh trở thành “thương hiệu”, nghe... vui tai. Chưa kể anh cởi mở, ưa nói, dù giọng khó nghe, nhưng người mua luôn ủng hộ. Rồi thì chị bán bánh... gúa, bánh nậm. Mỗi buổi sáng, chị Mai “chạy” 3 chợ ở Bình Tân, Bình Chánh. Chị đèo cái rọ sắt sau xe. Cái bao ni lông to, được lồng trong rọ sắt, đựng bánh gói, bánh nậm. Người Quảng ở khu vực Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh, hay khu Bình Hưng Hòa huyện Bình Tân, ai đã từng dùng bánh của chị Mai, đều thích. Cái bánh thơm mùi lá chuối, nóng hổi với mùi nhưn tôm thịt, nhưn đậu xanh, y chang kiểu gói của người Quảng. Bán bánh gói mà có cả danh thiếp, cũng là điều đặc biệt. Có lần mua bánh gói xong, chị bảo tôi đợi chị. Rồi chị lần trong túi, lấy ra cái card, khiến tôi... choáng. Cầm cái card trên tay, đọc hết những chi tiết trên card, thấy thân thương quá đỗi. Nào là “bánh gói miền Trung”, “Nhận gói bánh tét, bánh rò”. Chị Mai nói như tự hào “Người Quảng mình hay lắm. Mỗi khi tụ họp ở nhà ai đó, thậm chí ở quán xá, có người đặt mua bánh gói, khi thì mì lá (tất nhiên không thể thiếu mắm cái) mang tới, để mọi người có dịp thưởng thức chút hương vị quê xứ. Nhờ thế mà tui bán bánh gói rất chạy”.
Cái giọng rao của người Quảng ở Sài thành nghe “chát ngắt”, nhưng lại thân thương không chỉ đối với người Quảng, mà còn với nhiều người xứ khác, làm nên một “thương hiệu” nơi đất khách. Giữa Sài thành, nghe anh thợ mài dao, người bán chổi lông gà, chị bán bánh gói, và nhiều tiếng rao bán khác, sao gần gũi quá. Yêu lắm giọng nói xứ mình.
Tác giả: Song Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn